-
Chưa có sản phẩm mua
Trong đó tập trung khuyến cáo và cảnh báo “cây sầu riêng đang có hiện tượng phát triển nóng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng…; việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện:
1.Tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp, HTX, các hộ trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cụ thể:
- Rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn, xây dựng đề án/kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; quy mô phù hợp nội dung của Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai;
- Khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Qu ốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích;
- Khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng;
- Quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống, thực hiện kiểm tra một số bệnh virus trên cây giống cây chanh leo trước khi xuất vườn;
- Tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng, chanh leo tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ một số đối tượng sinh vật gây hại nguy hiểm như bệnh Phytophthora hại sầu riêng, bệnh virus hại chanh leo.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế sầu riêng, chanh leo phục vụ xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến (đặc biệt là chế biến sâu); liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo hiệu quả trên địa bàn.
2.Tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý; thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
3.Tổ chức triển khai, thực hiện Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trong đó tập trung một số nội dung sau: định hướng, tích hợp phát triển cây ăn quả trong quy hoạch tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn.
4.Khẩn trương thực hiện Quyết định số 470/QĐ-BNN-TT ngày 7/2/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: lập và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trong đó cần định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi, trong đó lưu ý với cây sầu riêng; Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
5.Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng sầu riêng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; Liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; Xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết (nguồn https://baomoi.com/): Sầu riêng đang phát triển rất "nóng", kể từ sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch loại trái cây này sang Trung Quốc (tháng 7/2022). Dự báo trong năm 2023, sản lượng sầu riêng Việt Nam đạt khoảng 1 triệu tấn. "Trong khi đó, theo Quyết định số 4085 ngày 27/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng khuyến cáo là khoảng 65.000 đến 75.000 ha, sản lượng từ 830.000 đến 950.000 tấn”,
Ông Cường thông tin: “Sản lượng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng từ 15 - 20% sản lượng sầu riêng ở Việt Nam, các nước khác chiếm tỷ lệ rất ít, còn lại tiêu dùng nội địa vẫn là chủ yếu. Theo Nghị định thư đã ký, cứ ba năm phía Trung Quốc lại rà soát lại một lần. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo là thay vì tăng diện tích, sản lượng thì các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần phải xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối…để đảm bảo hiệu quả cao và giữ được giá. Nếu chúng ta vẫn cứ phát triển nóng như thời gian vừa qua thì giá sầu riêng sẽ còn hạ xuống nữa”.
Ông Cường đặc biệt nhấn mạnh chính quyền địa phương và người dân không mở rộng diện tích ở những vùng có điều kiện đất đai kém màu mỡ, thiếu nước tưới. Không tự chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng mới và không tự phát chuyển đổi các vườn trồng xen. Bên cạnh đó phải quản lý giống chặt chẽ, bởi vì giống cây ăn quả, nhất là sầu riêng có thời gian đầu tư lớn, thời gian ít nhất 3 năm mới được khai thác. Do vậy là các địa phương cần phải phải rà soát, chỉ phát triển ở những vùng có lợi thế thì mới phát triển bền vững được.
Hungpham CCQLCL
Liên kết website |
Cơ quan chủ quản SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN LÂM ĐỒNG
Đơn vị quản lý và vận hành: CHI CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN LÂM ĐỒNG
Địa chỉ: Tầng 5B2 Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, 36 Trần Phú, Phường 4, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Email: nongsandalatlamdong2022@gmail.com
Điện thoại: 02633 811953 Fax: 02633 549095 Hotline: 0916676867
@Ghi rõ nguồn nongsandalatlamdong.vn khi sử dụng thông tin từ Trang thông tin điện tử này.