-
Chưa có sản phẩm mua
Ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, với mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và nâng cao uy tín nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước, thời gian qua, đơn vị đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, đơn vị cũng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về việc chấp hành các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, đối với công tác kiểm dịch thực vật, trong năm 2024, đơn vị đã tiến hành kiểm tra hồ sơ liên quan đến nhập khẩu giống cây trồng về Lâm Đồng đạt 37,79 triệu cây, củ, ngọn, hạt giống hoa (cát tường, lan hồ điệp, lily, hồng môn, sống đời, đồng tiền, cúc và cây mô các loại…) của 12 công ty bao gồm: Công ty TNHH Dalat Hasfarm, Công ty TNHH APOLLO, Công ty TNHH TM-DV Trường Hoàng, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Linh Ngọc, Công ty TNHH Hoa Chi An, Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1, Công ty TNHH Trang trại Kỹ thuật cao Nhật Việt, Công ty TNHH Hoa Tây Nguyên, Công ty Lá Xanh Phường 11 Đà Lạt, Công ty TNHH Quang Nguyên, Công ty TNHH Trang trại Langbiang. Theo ghi nhận, việc nhập khẩu giống của các doanh nghiệp trên chủ yếu đến từ 19 nước gồm: Hà Lan, Bỉ, Chi Lê, Pháp, Costa Rica, Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Srilanka, Ấn Độ, Newzealand, Israel, Kenya.
Ngoài ra, 6 công ty gồm: Công ty TNHH Hạt giống và Nông sản Phù Sa, Công ty TNHH Sản xuất Bejo Việt Nam, Công ty TNHH Giống cây trồng Thành Nông, Công ty TNHH GSA Việt Nam, Công ty TNHH Rijk Zwaan, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, rau và hoa cũng đã nhập về 9.314,3 kg hạt giống rau các loại, 4.117 hạt giống khoai lang, 8.312 hạt giống khoai tây và 25 kg củ giống khoai tây từ các nước Hà Lan, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Peru.
Đồng thời, đơn vị đã tăng cường kiểm tra liên quan đến nhập khẩu giống cây trồng về sử dụng tại Lâm Đồng của 16/18 công ty; thực hiện điều tra dịch hại ngoài đồng ruộng của 16 công ty với 115 lô/52 giống cây trồng (hoa, rau). Kết quả, các công ty đều chấp hành tốt quy định của pháp luật; trên các giống cây trồng nhập nội gieo trồng tại Lâm Đồng chỉ phát hiện dịch hại phổ biến, gây hại ở mức nhẹ đến trung bình ít ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây. Hiện nay, chưa phát hiện dịch hại lạ, dịch hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng tiến hành kiểm tra nông sản lưu trữ trong kho của 16 đơn vị kinh doanh cà phê nhân, lúa, bắp thương phẩm trên địa bàn TP Bảo Lộc và các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, với tổng diện tích kho 58.550 m2, khối lượng nông sản 6.298,5 tấn. Qua kiểm tra, không phát hiện dịch hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Ngoài ra, chi cục còn tiến hành lấy 10 mẫu cây giống và 4 mẫu hạt giống tại các cơ sở sản xuất giống cà chua để phân tích virus để làm cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn việc kiểm soát virus trên cà chua ở các vườn ươm trên địa bàn tỉnh; đồng thời ký hợp đồng cung cấp số liệu khí tượng với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên để có thông tin, cơ sở dự liệu về tình hình thời tiết tại các khu vực để dự báo sự phát sinh phát triển của dịch hại.
Mặt khác, công tác quản lý dư lượng thuốc BVTV cũng được đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Trong năm, đơn vị tiếp tục lồng ghép các hoạt động để tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp quản lý dư lượng thuốc BVTV tuân thủ các quy định trong sử dụng thuốc và thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Trong năm 2024, Chi cục đã tiến hành lấy 401 mẫu trên tổng sản lượng 79,8 tấn nông sản như rau, trái cây, chè tại TP Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Huoai. Kết quả 398/401 mẫu an toàn, chiếm tỷ lệ 99,25%; 3/401 mẫu vượt ngưỡng quy định, chiếm 0,75%. Đồng thời, phân tích định lượng dư lượng thuốc BVTV đối với 115 mẫu trên tổng sản lượng 92,6 tấn rau, chè, trái cây. Kết quả phân tích được thông báo cho các tổ chức, cá nhân và cách ly và xử lý các lô hàng có dư lượng thuốc BVTV quá quy định.
Ngoài ra, để nâng cao uy tín nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước, đơn vị đã chú trọng đến công tác khuyến nông, nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật được đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Trong năm 2024, đơn vị đã tổ chức được 6 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về phân bón và thuốc BVTV cho 664 cá nhân. Đồng thời, tổ chức được 24 lớp tập huấn cho cán bộ Phòng Kinh tế các thành phố, Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp các huyện và nông dân trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ gây hại cây sầu riêng; quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); hướng dẫn triển khai phát triển nông nghiệp tuần hoàn và thu gom xử lý bao gói thuốc BVTV, phế phụ phẩm nông nghiệp; công tác dự tính dự báo sâu bệnh hại cây trồng. Triển khai nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình thực hiện các mô hình phòng trừ dịch hại, qua đó làm cơ sở khuyến cáo người dân có biện pháp phòng trừ dịch hại có hiệu quả.
Trích nguồn: baolamdong.vn
Liên kết website |
Cơ quan chủ quản SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN LÂM ĐỒNG
Đơn vị quản lý và vận hành: CHI CỤC CHẤT LƯỢNG, CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
Địa chỉ: Tầng 5B2 Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, 36 Trần Phú, Phường 4, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Email: ccqlcllamdong@gmail.com
Điện thoại: 02633 811953 Fax: 02633 549095 Hotline: 0916676867
@Ghi rõ nguồn nongsandalatlamdong.vn khi sử dụng thông tin từ Trang thông tin điện tử này.